Kiến trúc xanh và phát triển bền vững từ kinh nghiệm châu Á: Phát triển công nghệ mới hay trở lại với sự thông thái bản địa

14/09/2017 | 1 Lượt xem

Với việc giới thiệu một số kinh nghiệm bản địa trong thiết kế và xây dựng Xanh, bền vững ở châu Á, bài viết phân tích các yếu tố định hình kiến trúc bản địa: Khí hậu và môi trường xung quanh; vật liệu địa phương; kỹ thuật xây dựng truyền thống và đặc biệt là Văn hóa – lối sống. Có thể nói, các kinh nghiệm bản địa có quá trình điều chỉnh trong thời gian dài từ sự đúc kết kinh nghiệm đúng và sai của một dân tộc, một cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử đầy thăng trầm, do đó tính bản địa giúp “tự vệ” và “chống chọi” trước những áp lực đồng hóa của làn sóng toàn cầu hóa. Đề cao các kinh nghiệm bản địa sẽ là chìa khóa giữ gìn bản sắc cho mỗi quốc gia, mỗi dân tộc – Vì kinh nghiệm bản địa được hình thành và nuôi dưỡng chính từ văn hóa, lối sống, sự đáp ứng với môi trường tự nhiên và sinh thái địa phương…

Chúng tôi đi tìm lời giải cho câu hỏi: Phát triển công nghệ mới hay trở lại với sự thông thái bản địa? Đây chính là những băn khoăn, trăn trở không chỉ của các KTS, các nhà quy hoạch, nhà quản lý, mà còn là vấn đề đang được nhiều quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) phải giải quyết. Đứng trước những thách thức to lớn của yêu cầu phát triển, hơn lúc nào hết, con người càng phải thông thái hơn để có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất dẫn tới tương lai tươi sáng và bền vững cho chính mình.

“Kiến trúc bản địa có thể được coi là “ngôn ngữ kiến trúc của con người” với đầy đủ các thổ ngữ, sắc tộc và tính địa phương của nó” – Paul Oliver, tác giả cuốn Bách khoa toàn thư về kiến trúc bản địa trên thế giới, đã viết.

Giải pháp chống nắng, ngăn mưa hắt, thông gió tự nhiên trong nhà ở truyền thống Malaysia, Indonesia (nguồn: Asian architecture)

Toàn cầu hóa ngày càng lan rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, từ văn hóa phổ quát thâm nhập vào các ngành, nghề chuyên sâu. Những công nghệ và bí quyết được thâu tóm, mua bán, chuyển giao xuyên quốc gia một cách liên tục… đã làm cho thế giới dường như ngày càng nhỏ hơn, gần nhau hơn. Trong lĩnh vực kiến trúc – xây dựng, nhiều công nghệ thiết kế thi công mới được giới thiệu và nhân rộng, sự thâm nhập của các hãng thiết kế quốc tế tới mọi thành phố trên địa cầu đã làm nhân bản những công trình kiến trúc có “nhận dạng” giống nhau, những thành phố có nội dung và hình thức mô phỏng nhau… Những tiếp biến văn hóa thông qua sao chép kiến trúc vì thế đã dần trở nên tiêu cực, trở thành một vấn nạn toàn cầu của sự đánh mất bản sắc, đặc biệt là tại châu Á, nơi được cho là “đi sau” và hưởng các thành quả từ các cuộc đại phát triển công nghiệp của phương Tây. Sự sao chép và lặp lại về công nghệ từ thiết kế đến thi công đã khiến nhiều khu phố mới ở Đông Nam Á không khác gì ở miền Nam Trung Quốc, hay ở Trung Mỹ,…

Tháp gió tại Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Iran, Pakistan

Ở khía cạnh khác, nhiều thành phố được mở rộng hoặc xây dựng mới mỗi năm nhưng bản thân chúng lại vướng vào nhiều vấn đề trầm trọng như tình trạng tắc nghẽn, sự ô nhiễm, hố ngăn cách giàu – nghèo… Đô thị hóa thúc đẩy công nghiệp hóa xây dựng, cùng với các tòa nhà chiếm đến 40% lượng năng lượng và 12% lượng nước được sử dụng trên toàn cầu, thải ra 40% lượng chất thải rắn đô thị, 30% lượng khí thải nhà kính của thế giới – theo những công bố mới nhất của Liên hợp quốc. Bối cảnh đó đòi hỏi, ngành thiết kế và xây dựng phải hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, những công nghệ mới theo xu hướng thiết kế xanh và bền vững lại thường đắt đỏ, đòi hỏi quá trình áp dụng tổng thể, lâu dài và không dễ phù hợp với tất cả các khu vực trên thế giới, do mỗi khu vực lại có các điều kiện bản địa rất đặc trưng và khác nhau.

Trong sự bế tắc này, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng: Công nghệ hiện đại không thể giải quyết mọi thứ, kiến trúc cần tìm kiếm và tận dụng sự thông thái từ kinh nghiệm bản địa. Kinh nghiệm bản địa vốn dĩ là những giá trị rất bền vững và đậm đà căn tính, nhất là trong lĩnh vực kiến trúc. Bảo lưu, học hỏi và nhân rộng kiến trúc bản địa có thể trở thành một cứu cánh cho các quốc gia châu Á trong quá trình chống lại các tác dụng ngược của quá trình đô thị hóa, một trong những hậu quả dễ nhận thấy là hiện tượng đánh mất bản sắc, đồng nhất hóa phong cách kiến trúc. Thực tế đang chứng minh rằng: Sự liên kết giữa tư duy bản địa và định hướng phát triển bền vững là hướng đi đúng đắn và phù hợp nhất.

Nếu mất đi căn tính bản địa trong các đô thị châu Á, “xã hội sẽ bỏ lỡ cơ hội tiến bộ văn hoá, kinh tế sẽ mất nền kinh tế bản địa đặc sắc và hài hòa, môi trường trong các thành phố và khu vực nông thôn sẽ thiếu bền vững

Kinh nghiệm bản địa trong kiến trúc và xây dựng châu Á

Chúng ta đều biết, kiến trúc bản địa ở châu Á vốn rất “xanh”, vì thực tế đơn giản: Ngày xưa con người buộc mình phải thiết kế thích ứng với môi trường vì chưa đủ trình độ để thay đổi môi trường sống xung quanh theo ý mình như bây giờ. Khi đó, mối quan hệ giữa con người với môi trường rất hài hòa bởi sự thích ứng đến mức gần như tuyệt đối của các công trình cư trú với môi trường xung quanh. Trong làng xã của người xưa, những ngôi nhà giản dị nằm khép mình hài hòa với vườn cây, ao cá, hồ nước… tận dụng những lợi thế của môi trường xung quanh và giảm thiểu ảnh hưởng bất lợi của thiên nhiên đến ngôi nhà và con người bên trong. Suốt hàng thế kỷ, con người đã xây dựng cho mình hệ không gian sống, tích tụ trong đó những kinh nghiệm tập thể truyền đời. Sự thông thái dân gian được truyền qua nhiều thế hệ, liên tục được chỉnh sửa và hoàn thiện để phù hợp với những đòi hỏi mới của cuộc sống và sự biến đổi liên tục của môi trường tự nhiên. Những kinh nghiệm dân dã nhưng độc đáo đã kiến tạo nên những không gian cư trú được xem như những đơn vị sinh thái độc lập, có thể tự tồn tại mà không cần huy động / tiêu tốn tài nguyên một cách quá mức, cũng như không tạo áp lực cho môi trường xung quanh.

Kiến trúc truyền thống được đặc trưng bởi một loạt các phong cách, các yếu tố hình thái và kỹ thuật xây dựng. Khí hậu là một trong những yếu tố chính tạo ra các phương pháp thiết kế và xây dựng bản địa, là nguồn gốc của mọi yếu tố cấu trúc hoặc hình thái. Từ năm 1966, Hassan Fathy – KTS tiên phong trong nghiên cứu về kiến trúc bản địa đã có những đánh giá toàn diện về mối quan hệ giữa văn hoá – xã hội và khí hậu với kiến trúc. Ông đã đưa ra định nghĩa khá đầy đủ về kinh nghiệm bản địa khi cho rằng:

  1. Kiến trúc bản địa được định hình bởi thời gian và sự tích lũy kinh nghiệm chuyên môn;
  2. Kiến trúc bản địa là sự kết hợp và tổng hợp của các di sản tư liệu địa phương, khí hậu và đặc điểm văn hoá – xã hội;
  3. Kiến trúc bản địa được phát triển từ nhu cầu của xã hội. [2]

Ví dụ, tại khu vực Đông Nam Á, khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều đã làm hình thành hệ mái nhà vươn rộng và có độ dốc lớn, giúp che chắn nắng mưa tốt và thoát nước mưa nhanh. Khí hậu oi nóng cũng khiến cho con người phải chú ý hơn đến các giải pháp thông gió tự nhiên, được thể hiện qua việc chọn hướng nhà, mở cửa sổ, tạo khe hút gió…
Khu vực Nam Á có nhiệt độ cao và thường khô hạn lại định hình kiểu mái phẳng, tường dày, cửa sổ nhỏ. Tại Trung Đông, chúng ta thấy nhiều phễu gió vươn lên cao mở về phía có hướng gió tốt để đón được nhiều gió mát thổi vào trong ngôi nhà. Kỹ thuật độc đáo này đảm bảo ngôi nhà được thông gió thường xuyên mà không tiêu tốn năng lượng nhân tạo.

Tại vùng Đông Bắc Á có khí hậu khô và lạnh, trong những ngôi nhà cổ ở Nhật Bản, đến những năm đầu thế kỷ 20 vẫn còn những bếp sưởi mùa lạnh được bố trí giữa nhà dưới lớp sàn tatami.

Hệ sàn gỗ được kê cao tách khỏi mặt đất và cách bố trí bếp sưởi ở vị trí trung tâm của ngôi nhà gỗ truyền thống Nhật Bản (nguồn: internet)

Ngoài khí hậu, vật liệu địa phương và kỹ thuật xây dựng cũng góp phần vào sự hình thành và khẳng định các phong cách đặc trưng bản địa. Tuy khác biệt về địa lý, song đa số công trình truyền thống ở châu Á sử dụng vật liệu xây dựng chính là gỗ, tre, đá, đất, bùn… Những vật liệu thô này được khai thác từ tự nhiên, một số có thể tái tạo được trong môi trường tự nhiên. Ngoài ra, sự sẵn có từ địa phương giúp giảm thiểu tối đa công sức khai thác và vận chuyển so với các vật liệu từ nơi khác. Những yếu tố bản địa quan trọng này đảm bảo sự cân bằng và bền vững trong phát triển.

Kỹ thuật trình tường trong nhà người Tày – Nùng ở Việt Nam (nguồn:[11]& baoxaydung.com.vn)

Có quan hệ hữu cơ với yếu tố vật liệu là kỹ thuật xây dựng được con người áp dụng và liên tục cải tiến, tối ưu hóa từ đời này sang đời khác. Sự kết hợp tài tình giữa vật liệu và kỹ thuật xây dựng đã tạo ra những giải pháp kiến trúc thích ứng cao với khí hậu của từng vùng miền. Trong phần tiếp theo của bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích hiệu quả của sự kết hợp bản địa này với công nghệ hiện đại mà chúng ta đang phát triển.

Một yếu tố quan trọng định hình phong cách bản địa trong kiến trúc và xây dựng đô thị châu Á là văn hóa – lối sống. Tại châu Á, các hoạt động cộng đồng có vai trò rất quan trọng trong việc định hình lối sống, tạo dựng các không gian hoạt động của con người. Các khu phố bản địa châu Á với cách thức buôn bán kiểu châu Á, tạo ra những nền kinh tế địa phương có sức sống âm thầm nhưng mãnh liệt – Như chính các hoạt động đô thị được diễn ra bên trong các khu phố đó. Chúng ta thấy kiểu nhà ống với chức năng hỗn hợp vừa để ở, vừa buôn bán, vừa sản xuất, vừa là kho chứa… ở Hà Nội, Hội An hay Penang – Malaysia, Singapore… Các khu chợ với không gian lắt léo được bao quanh bởi những bức tường dày của các ngôi nhà và nhiều tháp gió chồng chất ngổn ngang vươn lên cao có thể gặp ở rất nhiều đô thị Nam Á. Trong khi đó, nhiều đô thị cổ ở miền Nam Trung Quốc được tổ chức trên bến dưới thuyền như những “bài thơ đô thị”.
Phương thức sống kiểu châu Á, cách thức buôn bán kinh doanh tiểu thương với quan hệ sản xuất qui mô gia đình đã ảnh hưởng đến kiến trúc các ngôi nhà, khu chợ. Các đô thị cổ châu Á có thể tương đồng với nhau một số mặt nào đó như cách thức tổ chức không gian, qui mô đô thị và cự ly hoạt động, xu hướng pha trộn giữa kinh doanh và sáng tạo nghệ thuật trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ…, song vẫn có những khác biệt về văn hóa và phong tục tập quán. Điều này đã tạo bản sắc riêng cho mỗi vùng miền, mỗi quốc gia. Qua thời gian với những trải nghiệm lịch sử, các khu phố, công trình và hoạt động cộng đồng này trở thành những di sản đô thị quý giá, là căn tính nhận diện của từng đô thị, từng cộng đồng.

Kỹ thuật xây tường từ đất bùn có khung lõi gỗ trong nhà ở Malaysia (nguồn:[11]& baoxaydung.com.vn)

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập ở phần mở đầu, xu hướng toàn cầu hóa lan rộng đang làm mờ dần bản sắc của các thành phố / vùng miền. Trong làn sóng công nghiệp hóa 4.0 và cạnh tranh toàn cầu, chúng ta quá nôn nóng mà quên đi rằng khi tăng trưởng dựa trên sự đồng nhất hóa những phương thức sản xuất, sản phẩm, dẫn tới đồng nhất hóa phương thức sống, hệ quả cuối cùng sẽ dẫn tới đồng nhất hóa văn hóa. Chu trình này đang diễn ra một cách từ từ, âm thầm nhưng rất khó đảo ngược. Nếu mất đi căn tính bản địa trong các đô thị châu Á, “xã hội sẽ bỏ lỡ cơ hội tiến bộ văn hoá, kinh tế sẽ mất nền kinh tế bản địa đặc sắc và hài hòa, môi trường trong các thành phố và khu vực nông thôn sẽ thiếu bền vững” – [3]. Con người ngày càng lệ thuộc vào công nghệ, các thành phố càng ngày càng tiêu tốn nhiều năng lượng, tài nguyên càng lúc càng bị khai thác cạn kiệt hơn để thỏa mãn cơn khát tăng trưởng.
Vậy, tăng trưởng dựa trên sự khai thác tài nguyên đến đâu mới là điểm dừng? Giữa công nghệ và các kinh nghiệm bản địa, yếu tố nào có lợi thế so sánh tốt hơn, bền vững hơn? Đây là vấn đề chúng ta cần quan tâm nghiên cứu thật thấu đáo với các công cụ đo lường chuẩn xác để có thể lượng hóa được những giá trị vật chất và cả phi vật chất của hai hướng đi này.

Phát triển công nghệ mới hay trở lại với sự thông thái bản địa?

Hoạt động xây dựng có tác động đáng kể đến môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Những thách thức về năng lượng và môi trường đang đòi hỏi một cuộc cách mạng đáng kể trong việc xây dựng các triết lý, chiến lược, công nghệ và phương pháp thiết kế và xây dựng mới. Trong quá khứ, các yêu cầu về tiện nghi cũng như lối sống rất khác biệt và không thể so sánh với nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Những kinh nghiệm bản địa vì thế đã được (bị) con người đem ra cân đổi với công nghệ hiện đại, hòng đẩy nhanh chu trình phát triển với sự nôn nóng muốn tạo đột phá.
Một thực tế rất đáng chú ý là ở hầu hết các nước phát triển, phần lớn các tòa nhà mới được thiết kế bởi các KTS, tuy nhiên, ở các nước đang phát triển (đa số các quốc gia châu Á đang ở trình độ này), do điều kiện kinh tế, những ngôi nhà được thiết kế bởi KTS chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Khi nhìn lại lịch sử phát triển đô thị trên thế giới, trong cuốn sách Dwellings: The Vernacular House World Wide, P.Oliver từ Viện Phát triển Bền vững Oxford ước tính rằng: “Trên 90% các cấu trúc kiến trúc đang tồn tại ngày nay (khoảng 800 triệu ngôi nhà trên toàn cầu) được thiết kế bởi chính những người sử dụng chúng chứ không phải các KTS” – [6]

Kỹ thuật làm mái nhà của người Hàn Quốc (hình bên trái) và Nepal (hai hình bên phải) – (nguồn: UNESCO & Worldbank)

Nghiên cứu của Zhiqiang (John) Zhai và Jonathan M. Previtali đăng trên tạp chí Energy and Buildings [7] đi sâu vào so sánh các công nghệ và tiêu chuẩn xây dựng tiết kiệm năng lượng hiện đại với kiến trúc bản địa. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã tiến hành phân tích kỹ lưỡng các hạng mục của ngôi nhà, từ tổng thể công trình tới hình dạng, hệ mái, cấu trúc trần, cấu trúc phòng, các cửa đi và cửa sổ với tỉ lệ 16% tổng diện tích bề mặt tường ngoài, khả năng thâm nhập của môi trường bên ngoài, mối quan hệ giữa ngôi nhà và nền đất, nắng chiếu và bóng đổ…, sau đó tiến hành đo thực tế và kiểm chứng trên cơ sở một mẫu nhà ở đơn giản có diện tích 1.200 foot vuông với mái bằng phẳng và một tầng hầm tại các vùng khí hậu chủ đạo của thế giới như: Địa Trung Hải, vùng Alpes ở châu Âu, khu vực Nam Mỹ, khu vực trung tâm Hoa Kỳ, vùng sa mạc ở miền Bắc Châu Phi, khu vực khí hậu nhiệt đới ẩm ở Đông Nam Á, khu vực nhiệt đới lục địa như Châu Úc… Nhóm nghiên cứu thực hiện trên nhà mẫu 3 tiêu chuẩn khác nhau để so sánh đối chiếu: Tiêu chuẩn được xây dựng bởi phần mêm tối ưu hóa năng lượng trong nhà của Hoa Kì (Beopt Optimal), Tiêu chuẩn nhà ở truyền thống điển hình (Vernacular Test subject) và Tiêu chuẩn quốc tế bảo tồn năng lượng IECC (Intenational Energy Conservation code). Kết quả được công bố và thể hiện trong các biểu đồ sau đây, chỉ ra kết quả đo mô phỏng năng lượng theo các mục đích: Làm mát, sưởi ấm và hiệu năng tổng thể (cả làm mát và sưởi ấm). Theo các biểu đồ, công cụ giả lập máy tính đã chỉ ra rằng: Sự kết hợp các giải pháp bản địa có thể vượt trội hơn thậm chí cả thông số tham chiếu IECC – Tiêu chuẩn được cho là tối ưu nhất hiện nay trong một số trường hợp. Cụ thể, kết quả phân tích cho thấy, có 38% trường hợp nhà truyền thống tiết kiệm năng lượng làm mát hơn so với nhà áp dụng tiêu chuẩn IECC; 29% trường hợp nhà truyền thống tiết kiệm năng lượng sưởi ấm hơn; nếu tính trên năng lượng tổng thể, có 19% trường hợp nhà theo thiết kế truyền thống có thể “chiến thắng” nhà theo tiêu chuẩn IECC.

Nhà phố dạng ống do người Hoa xây dựng ở Penang (Malaysia) và do người Việt xây dựng, cải tạo ở Hà Nội (nguồn: [8] & thuvienphapluat.vn)

Một trong những khu vực khí hậu điển hình cho sự thắng thế của nhà truyền thống là Bắc Phi. Tại đây, nếu xây nhà ở bằng vật liệu tường đất và mái tranh sẽ có các chỉ số đo tốt hơn tới 10% so với nhà xây chuẩn theo tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng quốc tế IECC [7]. Tại châu Á, nhiều dân tộc cũng sử dụng tường đất và mái tranh vì loại vật liệu này có giá thành cực thấp, dễ dàng khai thác và thi công tại chỗ. Có thể thấy, các kinh nghiệm bản địa vẫn rất được ưa chuộng tại nhiều khu vực trên thế giới, được chứng minh qua việc sử dụng các giải pháp xây dựng truyền thống và vật liệu địa phương như gỗ, tre, đất… trong cả các kiến trúc truyền thống cũng như hiện đại.

 

Qua nghiên cứu của Zhiqiang (John) Zhai và Jonathan M. Previtali, chúng ta thấy được tiềm năng của kiến trúc bản địa truyền thống, không hẳn lúc nào và tại địa điểm nào công nghệ hiện đại cũng là giải pháp tối ưu nhất để đạt được hiệu quả trong mục tiêu hướng đến kiến trúc xanh. Bên cạnh đó, chúng tôi nhấn mạnh rằng các nghiên cứu hiện nay mới chỉ sử dụng mô hình giả lập do máy tính thực hiện thuần túy khoa học dựa trên các dữ liệu đo được về mặt thời tiết, năng lượng và vật lý môi trường kiến trúc, mà chưa tính đến các yếu tố kinh tế – xã hội khác, do những dữ liệu đầu vào này khá phức tạp và có độ biến thiên lớn vì tính chất vùng miền cũng như theo từng cộng đồng xã hội khác nhau. Nhưng chính những yếu tố chưa xét tới này lại là các ưu điểm lớn nhất của kiến trúc bản địa, cụ thể như: Tính sẵn có của vật liệu tại chỗ, kĩ thuật xây dựng và nhân công, giá thành vật liệu và thi công, độ an toàn và khả năng chống chọi trước các hiện tượng thiên nhiên bất thường tại địa phương; và đặc biệt, yếu tố văn hóa – lối sống truyền thống. Như vậy, chúng tôi có cơ sở để khẳng định rõ ràng rằng kiến trúc bản địa không hề mất đi vị thế của mình so với công nghệ hiện đại, thậm chí còn có thể chiếm ưu thế nhất định tại một số khu vực cụ thể.

                                           Biểu đồ so sánh tổng năng lượng làm mát trong mỗi vùng khí hậu.

Hình 13: Biểu đồ so sánh tổng năng lượng sưởi ấm trong mỗi vùng khí hậu.
Hình 14: Biểu đồ so sánh tổng năng lượng sử dụng dự báo trong mỗi vùng khí hậu.

Các quốc gia đang phát triển tại châu Á luôn được cho là có nguồn tri thức bản địa rất có giá trị, nhưng vì lý do quản trị vĩ mô và căn tính cộng đồng khá bảo thủ nên đa số chưa có được nền kinh tế phát triển tốt. Tình trạng này dẫn đến sự thiếu vốn và không có khả năng nghiên cứu / phát triển những công nghệ tiên tiến, trong đó có các công nghệ xây dựng mới. Đây chính là những quốc gia / khu vực nên áp dụng các kinh nghiệm bản địa trong thiết kế và xây dựng các công trình mới có hình thức và nội dung phù hợp với yêu cầu thời đại, song vẫn phải đảm bảo tiết kiệm năng lượng, chi phí xây dựng và vận hành.

Việc đi tìm đáp án cho câu hỏi “Phát triển công nghệ mới hay trở lại với sự thông thái bản địa?” liên quan chặt chẽ đến vấn đề bản sắc và đồng hóa kiến trúc mà chúng tôi đã đề cập ở phần mở bài.

Hiện nay, công nghệ mới liên tục được đầu tư nghiên cứu phát triển từ cấp độ quốc gia tới cấp độ tập đoàn và các công ty có qui mô nhỏ hơn. Quá trình chuyển giao công nghệ thực chất là quá trình gia tăng sự kiểm soát mềm giữa các quốc gia, giữa các doanh nghiệp. Cộng đồng sẽ thụ hưởng lợi ích (hoặc gánh thiệt hại) từ quá trình này, nhưng đến mức nào còn tùy thuộc vào sự sáng suốt của tầm nhìn chiến lược và các kế hoạch phát triển quốc gia. Tuy nhiên, chắc chắn phần thiệt hơn sẽ luôn thuộc về những đối tác yếu thế hơn / những quốc gia kém phát triển hơn. Trong lĩnh vực kiến trúc và phát triển đô thị, chuyển giao công nghệ mới được nhìn thấy qua sự xâm nhập của các công ty kiến trúc, xây dựng và phát triển đô thị từ các quốc gia phát triển vào các quốc gia / vùng miền kém phát triển hơn. Quá trình áp đặt tư duy, phong cách, nội dung thiết kế kiến trúc và quy hoạch đô thị sẽ được đẩy nhanh nếu các quốc gia dễ chấp nhận và dễ thỏa hiệp. Từ sự đồng hóa về tổ chức đô thị, phong cách kiến trúc, hình thức không gian nội thất… sẽ dần dẫn tới sự đồng hóa về lối sống và văn hóa.

Trong bối cảnh này, việc đề cao các kinh nghiệm bản địa sẽ là chìa khóa giữ gìn bản sắc cho mỗi quốc gia / mỗi dân tộc, vì kinh nghiệm bản địa được hình thành và được nuôi dưỡng từ chính từ văn hóa, lối sống, từ sự đáp ứng với môi trường tự nhiên và sinh thái địa phương. Ở góc nhìn hẹp hơn trong lĩnh vực kiến trúc, kiến trúc bản địa sử dụng vật liệu, nhân công, kĩ thuật xây dựng, kĩ thuật hoàn thiện trang trí hoàn toàn từ địa phương nên bản sắc đã ngấm vào từng đường nét kiến trúc, từng bức tường, cây cột, hay từng chi tiết kiến trúc thân thuộc.

Các kinh nghiệm bản địa có quá trình điều chỉnh trong thời gian dài từ sự đúc kết kinh nghiệm đúng và sai của một dân tộc / một cộng đồng trong suốt chiều dài lịch sử đầy thăng trầm của một dân tộc, do đó nó có thể giúp “tự vệ” và “chống chọi” trước những áp lực đồng hóa của làn sóng toàn cầu hóa. Kinh nghiệm bản địa là một “vũ khí cạnh tranh mềm” giúp các quốc gia “giữ mình” trong cuộc chơi toàn cầu. Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi cho rằng: Sự kết hợp các kinh nghiệm bản địa với công nghệ thiết kế và xây dựng hiện đại là giải pháp tốt nhất để đạt được các mô hình phát triển bền vững và lý tưởng cho chúng ta.

Kết luận

Chúng ta biết rằng: Công thức phát triển được đo bằng trị số tổng của công nghệ và tài nguyên, nếu trị số này tăng trong khi trị số kia giảm thì không tạo ra sự tăng trưởng hay phát triển mới. Hiện nay, tuy công nghệ ngày càng mạnh, nhưng tài nguyên mỗi năm lại một cạn kiệt đi, nên qui mô phát triển luôn có giới hạn và chưa bao giờ đạt được sự tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh này, chúng ta nên quay trở lại với thứ mà chính chúng ta đã bỏ quên để chạy theo công nghệ – Đó là kinh nghiệm bản địa.

Hiện nay, tuy chưa có nhiều nghiên cứu mở rộng để đo lường chính xác hơn những ưu việt của việc sử dụng kinh nghiệm truyền thống trong thiết kế, xây dựng công trình, song chúng ta có cơ sở để tiếp tục tìm hiểu, phát triển các kinh nghiệm bản địa trong thiết kế, xây dựng công trình mới. Đứng trước những thách thức to lớn của yêu cầu phát triển, hơn lúc nào hết, con người càng phải thông thái hơn để có thể tìm ra con đường đúng đắn nhất dẫn tới tương lai tươi sáng và bền vững cho chính mình.

Tài liệu tham khảo:

  1. Paul Oliver (2006), Built to Meet Needs: Cultural Issues in Vernacular Architecture, Architectural Press.
  2. Hassan Fathy (1997), An Architecture for people, University of Michigan.
  3. Tai Lee Siang (2017), From vernacular architecture toward sustainable design for industry 4.0, what are the possibilities?, public lecture, ACGSA, Bangkok, 2017.
  4. Shashank Jain, Vernacular green architecture, Dehli, India.
  5. Noor Hanita Abdul Majida, Hokoi Shuichib, Nozomi Takagib (2012), Vernacular Wisdom: The basis of formulating compatible living environment in Oman, ASIA Pacific International Conference on Environment-Behaviour Studies, Ai Cập.
  6. Paul Oliver (2003), Dwellings: The Vernacular House World Wide, Phaidon, London.
  7. Zhiqiang (John) Zhai, Jonathan M. Previtali, Ancient vernacular architecture: characteristics categorization and energy performance evaluation, Journal Energy and Buildings, 42 (2010) 357–365.
  8. Karam M. Al-Obaidi, Mazran Ismail, Abdul Malek Abdul Rahman (2014), Passive cooling techniques through reflective and radiative roofs in tropical houses in Southeast Asia: A literature review, Frontiers of Architectural Research, Frontiers of Architectural Research, Volume 3, Issue 3.
  9. A. A’zami, S.H. Yasrebi, A. Salehipoor (2005), Climatic responsive architecture in hot and dry regions of Iran, International Conference “Passive and Low Energy Cooling for the Built Environment”, , Santorini, Hy Lạp.
  10. Đào Ngọc Nghiêm (2015), Tạo lập bản sắc đô thị trong quá trình đô thị hóa, Báo Xây Dựng.
  11. Khuất Tân Hưng (2015), Tính bản địa của kiến trúc nhà ở dân gian Nam Trung Bộ, Tạp chí Kiến trúc, số 238/2015.

Nguồn : Tạp chí kiến trúc

 

Bài viết liên quan

Copyright © 2017 DANABIM . All rights reserved.

281 Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Đà Nẵng

+84 0236 3.575.282

info@danabim.vn

https://danabim.vn

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn