Ứng dụng thông tin trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình

10/08/2017 | 1 Lượt xem

Ứng dụng thông tin trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình

(Xây dựng) - Tại Hội thảo Ứng dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình do Viện Kinh tế xây dựng – Bộ Xây dựng vừa tổ chức, PV Báo Xây dựng đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Việt Hùng - Nghiên cứu viên kiêm trợ lý Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng để làm rõ hơn về ứng dụng mô hình này.

                                                   

Là một trong những thành viên đề xuất đề tài nghiên cứu xây dựng chiến lược và lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình BIM cho ngành Xây dựng Việt Nam giai đoạn 2015 - 202. Ông đánh giá hiện trạng và những khó khăn khi ứng dụng mô hình thông tin công trình tại Việt Nam?

- Tại Việt Nam, hiện nay BIM chủ yếu được triển khai ở các công trình có thiết kế và hệ thống kỹ thuật phức tạp trong đó có cả các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, vốn tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài. Dù nhiều chủ đầu tư nhận thức được hiệu quả của việc áp dụng BIM, đặc biệt là việc tiết kiệm chi phí trong thi công và trong vận hành nhưng do một số rào cản ban đầu như chi phí đào tạo và chi phí đầu tư ban đầu cho BIM khá cao dẫn đến chi phí thiết kế cao hơn truyền thống. Vấn đề quản lý dự án sử dụng BIM cần nhân rộng sự hiểu biết về công nghệ này mới có thể tận dụng hết lợi ích mà BIM mang lại. Với các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, việc còn thiếu nhận thức từ phía chủ đầu tư, thiếu các tiêu chuẩn, hướng dẫn thực hiện, điều khoản hợp đồng, cơ chế cho chi phí thiết kế sử dụng BIM là những trở ngại chủ yếu.

Ông có thể khái quát cơ bản về mô hình thông tin công trình và lợi ích khi ứng dụng BIM vào sự phát triển thiết kế trong xây dựng tại Việt Nam?

- BIM là quy trình tạo lập và sử dụng mô hình thông tin trong các khâu thiết kế, xây dựng và vận hành của công trình. Với vai trò là một cơ sở dữ liệu bao trùm toàn vòng đời của công trình, BIM bao hàm các mối liên hệ logic về mặt không gian, kích thước, số lượng, vật liệu, và các đặc tính của các bộ phận công trình. Khả năng kết hợp thông tin các bộ phận công trình với các thông tin về định mức, đơn giá, tiến độ thi công, chế độ vận hành bảo dưỡng... ngày càng trở thành xu hướng tất yếu của ngành Xây dựng để tối ưu hoá việc thiết kế, thi công và quản lý công trình.

Các lợi ích khi áp dụng BIM trong thiết kế đã được tổng kết như: Nhanh chóng đưa ra nhiều phương án thiết kế để phân tích chọn phương án tối ưu cũng như phân tích mức độ tiêu hao năng lượng của các giải pháp thiết kế, cung cấp các công cụ hỗ trợ phân tích và thiết kế theo hướng bền vững môi trường. Đồng thời tăng năng suất thiết kế, giúp điều chỉnh thiết kế thực hiện nhanh và ít sai sót, hơn nữa còn phát hiện sớm các điều kiện thi công khó khăn từ khi thiết kế để đưa ra giải pháp phù hợp. Trong thi công xây lắp, giúp tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian. BIM giúp xây dựng mô hình và bản vẽ hoàn công chính xác như hiện trạng, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo trì công trình và tính toán chi phí duy tu, bảo trì chi tiết ngay từ khi thiết kế. Ngoài ra còn có sự thuận lợi cho công tác tính và phân tích chi phí toàn vòng đời của bộ phận công trình, từ hiệu quả trong quản lý vận hành đến việc phân tích và báo cáo việc sử dụng không gian, tối ưu hóa chi phí vận hành.

Ông có nhận định gì trong việc áp dụng BIM trong ngành Xây dựng nước nhà?

- Qua thực tiễn hơn 12 năm áp dụng ở nhiều quốc gia, BIM đã được xem như là một công cụ hiệu quả trong việc quản lý và chia sẻ thông tin giữa chủ đầu tư, kiến trúc sư, kỹ sư tư vấn, nhà cung ứng, và nhà thầu xây lắp. Sử dụng BIM để quản lý và chia sẻ thông tin về công trình giúp tăng cường sự cộng tác, phối hợp giữa các thành viên của dự án, giúp đưa ra các giải pháp thiết kế và thi công tối ưu phù hợp với yêu cầu của chủ đầu tư ngay trong giai đoạn thiết kế. Việc triển khai BIM cùng với các phương pháp hợp đồng mới giúp xóa mờ các ranh giới ngăn cản sự hợp tác tích cực giữa các bên chủ đầu tư, thiết kế, thầu chính, thầu phụ trong dự án đầu tư xây dựng.

Theo kinh nghiệm các quốc gia đi trước, để BIM được áp dụng nhanh và hiệu quả trong một quốc gia thì các tiêu chuẩn và lộ trình về BIM cần được ban hành từ sớm, trước khi BIM được triển khai rộng rãi một cách tự phát trong ngành Xây dựng. Chiến lược và lộ trình rõ ràng cùng với các biện pháp hỗ trợ phù hợp đưa ra từ các cơ quan quản lý xây dựng là những yếu tố chủ đạo đảm bảo sự thành công cho việc áp dụng BIM ở một quốc gia.

Trong chiến lược nghiên cứu xây dựng lộ trình áp dụng mô hình thông tin công trình BIM cho ngành Xây dựng Việt Nam 2015 - 2020 cần hình thành một mạng lưới bao gồm các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn quản lý dự án, các nhà cung cấp giải pháp BIM, các nhà thầu để có thể cùng nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn nhằm giảm thiểu tối đa những khó khăn về chi phí trong thi công và trong vận hành các tòa nhà. Vì vậy áp dụng BIM tại Việt Nam là cần thiết để nâng cao hiệu quả thiết kế, xây dựng, và quản lý công trình.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Huyền (thực hiện)

Trích Báo Xây dựng

Bài viết liên quan

Copyright © 2017 DANABIM . All rights reserved.

281 Nguyễn Chí Thanh, Thành phố Đà Nẵng

+84 0236 3.575.282

info@danabim.vn

https://danabim.vn

Designed and Maintained by Thiết kế website Đà Nẵng, DANAWEB.vn