Có nên đưa Revit vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam?
Trong vài năm gần đây, công nghệ BIM đã và đang dần được ứng dụng rộng rãi cho ngành công nghiệp xây dựng tại Việt Nam. Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt đề án áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình. Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định 203/QĐ-BXD về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án áp dụng Mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
v
Mô hình thông tin công trình (BIM)
Phần mềm Revit là một công cụ mô hình hóa thông minh từ hãng Autodesk, nhằm hỗ trợ quá trình BIM cho các kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế và đơn vị nhà thầu. Mặc dù có nhiều công cụ khác, nhưng Revit vẫn là phần mềm chiếm ưu thế trên thị trường Hoa Kỳ và trên thế giới. Nhiều trường đại học trên thế giới đã đưa công nghệ BIM và phần mềm Revit vào giảng dạy cho sinh viên và học viên cao học như Queen Belfast, Liverpool, Oxford Brookes hay Middlesex University,… Nhằm mục đích giúp người học tiếp cận sớm với những công nghệ mới nhất, đã và đang được ứng dụng trong ngành xây dựng hiện nay.
Phần mềm Autodesk Revit
Mặt khác do những đòi hỏi từ các nhà tuyển dụng, mà tiêu chí “ưu tiên biết sử dụng Revit” đã dần chuyển thành “yêu cầu phải sử dụng Revit” đối với các kỹ sư, kiến trúc sư mới ra trường nói chung. Ngay bản thân các đơn vị thiết kế truyền thống, họ cũng đang loay hoay tìm cách để dần tích hợp và chuyển đổi sang BIM nhằm tăng năng suất lao động, cũng như tăng lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện kéo theo một loạt công nghệ như công nghệ tăng cường thực tế (Augmented Reality), công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality) và Internet vạn vật (Internet of Things) đều được kết nối với mô hình BIM.
Và để làm rõ câu hỏi “Có nên đưa Revit vào giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng tại Việt Nam?”, tác giả đã có buổi trò chuyện với các chuyên gia, nhà quản lý, và các bạn sinh viên trường Đại học Xây dựng. Mời bạn đọc lắng nghe một số ý kiến dưới đây:
Anh Hà Hưng Thịnh
Trưởng nhóm kết cấu xí nghiệp 3, Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam (CDC).
“Từ quan điểm của người sử dụng, quản lý và chủ nhiệm dự án thì việc đưa Revit để sinh viên cọ xát sớm là rất thiết thực. Nhưng nó cần phải có thời gian để những sv chưa biết, rồi biết đến, dùng đến, và đến lúc muốn dùng vì nó có hiệu quả. Việc đó phải là kế hoạch dài hơi. Vì quan niệm của SV gần như là học để biết chứ chưa hiểu sâu hơn. Nhưng mình nghĩ nếu mà biết trước thì cũng là rất tốt rồi.
Sau này ra trường ít ra cũng ko phải học lại mà có thể áp dụng luôn. Như bọn mình vừa đi làm, vừa đi học mới thấy cần thiết, nếu không học, không làm thì lạc hậu mất :)) “
Anh Nguyễn Hiệp
Kiến trúc sư, Viện kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn – Bộ Xây dựng.
Theo mình thì nên đưa vào giảng dạy trong các trường cao đẳng, đại học tại Việt Nam, nhất là đối với những trường đào tạo kỹ sư, kiến trúc sư như Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc. Đối với bộ môn vẽ kỹ thuật, như mình thấy thì các trường này chỉ mới đưa Autocad vào giảng dạy mà chưa dùng Revit. Mà Revit lại là bộ môn hỗ trợ toàn diện nhất cho kỹ sư và kiến trúc sư.
Bạn Lê Nguyên Dương
Cựu sinh viên 55TH1, Ngành Tin học Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng.
“Em hy vọng thời gian tới em sẽ làm chủ được phần mềm Revit cũng như công nghệ BIM để phục vụ cho công việc của mình 1 cách tốt nhất. Và em hy vọng các trường đại học, cao đẳng ở Việt Nam lên đưa các phần mềm như Revit, Tekla,…vào chương trình giảng dạy để sau này các bạn sinh viên ra trường sẽ đỡ vất vả và làm ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn”.
Nhìn vào thực trạng hiện nay, bài toán tiếp cận và áp dụng thành công BIM tại Việt Nam vẫn còn nhiều trở ngại. Tuy nhiên không vì thế mà ta phủ nhận BIM, hãy tiếp nhận và phát triển nó để dần mang lại hiệu quả cho dự án xây dựng.
ThS. Ngô Sỹ Lam
Giảng viên Bộ môn BTCT – Trường Đại học Xây dựng.
Giám đốc công ty cổ phần tư vấn kết cấu nhà cao tầng HBS.
“Rất nên!
Suy cho cùng, sinh viên ra trường cần phải làm được việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Đây là hướng tiếp cận trực tiếp để người học “học được cái mà nhà tuyển dụng cần”!”
Thầy Doãn Hiệu
Giảng viên Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng – Trường Đại học Xây dựng.
“Rất thiết thực, và nên đưa vào giảng dạy trước khi dạy khối kiến thức chuyên ngành về công nghệ và quản lý xây dựng”
Thầy Lê Thái Hòa
Giảng viên Bộ môn Công nghệ và quản lý xây dựng – Trường Đại học Xây dựng.
“Revit hoặc các phần mềm hỗ trợ công nghệ xây dựng khác là cần thiết, nên được đưa vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, thời điểm để sinh viên tiếp cận cần lưu ý như: phần cơ bản dành cho sinh viên năm 1, 2 ; phần nâng cao dành cho sinh viên học chuyên ngành”.
Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn
Giảng viên bộ môn Tin học Xây dựng – Trường Đại học Xây dựng.
“Là người tiên phong đưa công nghệ BIM và phần mềm Revit vào giảng dạy cho sinh viên ngành Tin học Xây dựng từ khóa K55-K58, tôi nhận thấy rằng nhu cầu này là thực sự cần thiết. BIM là xu thế của ngành công nghiệp xây dựng trong thời gian tới, do đó các bạn sinh viên, kỹ sư, kiến trúc sư và các nhà quản lý nên có hướng cập nhật nó ở mức độ phù hợp”.
Trích nguồn : Công nghệ Bim
Hãy đăng ký để tham gia lớp học trải nghiệm.