Theo đó, Autodesk sẽ hỗ trợ Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) – Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo BIM - thực hiện kế hoạch nâng cao nhận thức và ứng dụng mô hình BIM trong các hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình theo nội dung công việc thực hiện tại Quyết định số 2500/QĐ-TTg ngày 22/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ Xây dựng.
Autodesk sẽ cung cấp các thông tin về thông lệ ứng dụng mô hình BIM tiêu biểu nhất trên thế giới, tận dụng kinh nghiệm hợp tác với chính phủ các nước trên thế giới trong việc thực hiện chỉ đạo và yêu cầu áp dụng BIM hiệu quả và thành công.
Ban chỉ đạo BIM do thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng đứng đầu, bao gồm 14 đại diện từ Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Daniel Green, giám đốc điều hành quan hệ chính phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Autodesk, cũng là thành viên Tổ Chuyên gia cố vấn cho Ban chỉ đạo BIM.
Mô hình thông tin công trình (BIM) sẽ cung cấp cho các chuyên gia trong ngành Kiến trúc, Kỹ thuật và Xây dựng (AEC) Việt Nam những kỹ năng và công cụ cần thiết để thiết kế, thi công và vận hành các công trình qua tạo lập và sử dụng mô hình 3D "thông minh". Ban chỉ đạo BIM cùng với sự hỗ trợ của Autodesk, sẽ giám sát việc thực hiện công việc trong 3 giai đoạn chính theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, giai đoạn 2017 – 2019 hướng tới việc nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu áp dụng BIM; Khảo sát và đánh giá tình trạng đầu tư xây dựng hiện tại, quản lý vận hành các công trình ở Việt Nam và xây dựng các hướng dẫn tạm thời cho việc thực hiện thí điểm mô hình BIM; Xây dựng chương trình khung và các tài liệu đào tạo, bồi dưỡng BIM cho các buổi đào tạo, hội thảo và trao đổi kiến thức nhằm nâng cao khả năng ứng dụng BIM của các nhà thầu xây dựng, quản lý dự án, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn; Nghiên cứu và đề xuất các giải pháp hoàn thiện hành lang pháp lý trong đầu tư trong xây dựng, quản lý chất lượng và bảo trì công trình theo tiêu chuẩn BIM.
Tiếp đến, từ 2018 – 2020 là giai đoạn Triển khai và đánh giá mô hình BIM trong các dự án thí điểm; Áp dụng hướng dẫn BIM tạm thời trong tối thiểu 20 công trình từ cấp I trở lên trong thiết kế, xây dựng và quản lý dự án, đồng thời trong tối thiểu 10 dự án ở giai đoạn quản lý vận hành công trình; Cung cấp những hướng dẫn cần thiết cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các công ty tư vấn, nhà thầu xây dựng, giúp họ vượt qua những khó khăn thách thức trong quá trình áp dụng BIM; Giám sát và đánh giá công tác áp dụng thí điểm để hỗ trợ xây dựng hướng dẫn BIM chính thức.
Từ năm 2021 trở đi, mô hình này sẽ được áp dụng rộng rãi. Trên cơ sở tổng kết, đánh giá áp dụng BIM, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư, Hướng dẫn cụ thể áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Việc áp dụng BIM trong ngành xây dựng được đánh giá sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng và quản lý vận hành công trình, đây cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành xây dựng.
Hãy đăng ký để tham gia lớp học trải nghiệm.