Lâu nay, vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu đã được thế giới cũng như Việt Nam chú ý với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể. Trong sự kiện khởi động "Chương trình phát triển công trình xanh tại Việt Nam", giới quản lý, chuyên gia đầu ngành đã lột tả mối quan hệ lợi ích – trách nhiệm của các bên tham gia.
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi thế giới bắt đầu nếm mùi khủng hoảng sinh thái & môi trường, phong trào công trình xanh (CTX) đã ra đời với đánh giá các công trình xây dựng thải ra khoảng 50% khí nhà kính CO2 – nguyên nhân chính gây Biến đổi khí hậu).
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, việc phát triển CTX sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Thậm chí, phát triển CTX sẽ "mang lại rất nhiều giá trị gia tăng và tạo phát triển bền vững cho ngành xây dựng và thị trường BĐS".
Không chỉ mang tính hình thức/đối phó, một số dự án còn sử dụng mác "xanh" (không đăng ký theo bộ tiêu chuẩn nào) để phục vụ quảng bá bán hàng trước thị hiếu "sống xanh" đang lên ngôi
Thực chất, khái niệm CTX tại Việt Nam đã xuất hiện gần 10 qua nhưng đến nay thị trường CTX vẫn "chập chững" những bước đi đầu tiên. Đáng nói, theo KTS. Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, mặc dù đã có những công trình được cấp chứng chỉ CTX nhưng thực chất CTX ở Việt Nam mới phát triển mang tính hình thức, đối phó chứ chưa thực sự được quan tâm phát triển xanh ngay từ khâu thiết kế.
Về phát triển CTX, PGS.TS. Phạm Đức Nguyên – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi trường xây dựng Việt Nam cho rằng: Trước hết, phải nhắc tới hệ quả của phát triển xã hội gắn với đô thị hóa. "Đất nông nghiệp trở thành đất đô thị để xây dựng nhà ở, văn phòng... Thay cho bề mặt tự nhiên là bề mặt của công trình xây dựng hấp thu mạnh bức xạ mặt trời – làm nhiệt độ đô thị tăng cao. Lĩnh vực xây dựng nói chung, nhà cửa nói riêng, góp khoảng một nửa nguyên nhân gây ra biến đổi khí hậu" – ông Nguyên phân tích.
"Loạn" chi phí phụ trội CTX: Chủ đầu tư hay người mua nhà lo?
Khá nhiều phân tích đối chiếu từ thực tế áp dụng CTX trên thế giới cho thấy, rào cản đáng kể cho phát triển CTX ở nước ta đến từ chi phí xây dựng. Hay rõ hơn, là phí đầu tư CTX chưa thống nhất, công khai rõ ràng.
Tính từ năm 2007 – thời điểm CTX thâm nhập vào Việt Nam, đến nay, số lượng CTX và bền vững được chứng nhận trên toàn quốc mới chỉ dừng ở 60. Đây là con số khiêm tốn so với hơn 125 công trình tại Malaysia, 500 công trình tại Đài Loan và ngót 1.200 CTX tại Singapore tính đến 2014.
Theo bà Đỗ Ngọc Diệp – chuyên gia CTX thuộc IFC (WB Group), thị trường CTX vẫn chưa theo kịp các nước trong khu vực. Một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển CTX, là nhận thức về chi phí xây dựng. "Trong đó, còn mang nặng định kiến chi phí xây dựng CTX phải cao hơn 10-29% so với công trình thông thường" – bà Diệp thông tin.
Chủ đầu tư nào sẽ "tự nguyện công khai thông số về chi phí xây dựng các dự án xanh"?
áng chú ý, bà Diệp nhận định "thị trường Việt Nam chưa có các thông tin chính xác về chi phí xây dựng CTX" – dẫn tới nhận định sai về chi phí của CTX hoặc khái quát hóa chi phí của một công trình đơn lẻ diễn ra thường xuyên. Đây là một rào cản cho chủ đầu tư khi tiếp cận CTX vì không thể tính được phí đầu tư rõ ràng?!
Năm 2007, theo khảo sát của tập đoàn tư vấn xây dựng Davis Langdon (gần 100 năm hoạt động) tại 83 công trình được chứng nhận theo chuẩn LEED và so sánh chi phí xây dựng với 138 công trình không "đăng ký xanh", thì "không có sự khác biệt đáng kể giữa giá xây dựng CTX và công trình không theo chuẩn xanh".Báo cáo khảo sát tại 69 quốc gia về chi phí CTX năm 2007 của Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững thế giới cho thấy mức phụ trội 17% - so với 2% khi Hội đồng CTX Hoa Kỳ khảo sát thực tế 146 công trình. Tại một số công trình điển hình ở Malaysia, con số chi phí phụ trội cho CTX không vượt qua 5% tổng đầu tư và thời gian hoàn vốn dưới 5 năm.
Theo bà Diệp, mặc dù tình trạng "loạn" thông tin về chi phí xây dựng CTX hiện nay tại Việt Nam có thể tạm thời làm chậm tiến trình phát triển CTX, nhưng vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết khi có nhiều hơn các công trình đi tiên phong và "những chủ đầu tư tự nguyện công khai các thông số về chi phí xây dựng" – một điều chưa từng có diễn ra trên thị trường BĐS với những người đã bám sát ngành địa ốc Việt suốt chiều dài phát triển.
Các dự án như Eco Green City (Thanh Xuân, Hà Nội), Green Star (quận Bắc Từ Liêm)…dù có diện tích cây xanh, bể bơi hay hồ nước rộng, nhưng không đăng ký theo tiêu chuẩn xanh nào. Một số dự án có thể có một trong số những tiêu chí xanh nhưng nếu đăng ký tiêu chuẩn xanh thì họ đã nhấn mạnh tính “xanh” trong các chương trình marketing - thay vì quảng cáo chung chung là “môi trường sống xanh”, “cuộc sống xanh”, “thành phố xanh”…
Ông Đặng Thành Long, GĐ điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC)
Hãy đăng ký để tham gia lớp học trải nghiệm.